CHUỖI CHIA SẺ KINH NGHIỆM TẠO LẬP VĂN HOÁ ĐỌC Ở TRẺ (PHẦN 2)

KHƠI GỢI, NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU ĐỌC SÁCH CHO CON:

Lợi ích của việc đọc sách có lẽ không cần bàn đến vì ai cũng đã biết. Tuy nhiên việc xây dựng được 1 thói quen đọc sách ở trẻ nhỏ lại không phải là điều dễ dàng. Một điểm vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho thói quen đọc sách của trẻ chính là việc làm thế nào để KHƠI GỢI TÌNH YÊU ĐỌC SÁCH CỦA TRẺ THƠ– điều này được gọi là nền tảng gốc rễ của thói quen đọc sách. Nếu cha mẹ chỉ xây dựng 1 thói quen đơn thuần mà không đi từ gốc rễ, thì cũng giống như 1 cái cây nổi trên bề mặt, không có rễ bám sâu vào lòng đất thì hiển nhiên tán lá sẽ không được sum xuê và chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể hất đổ cái cây ấy. Tình yêu sách được ví như gốc rễ, dinh dưỡng nuôi sống thói quen đọc sách. Vậy chúng ta phải làm thể nào để khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu ấy?

Trên thực tế câu hỏi này đã nhức nhối trong tôi rất nhiều năm về trước. Bản thân tôi đã có những kinh nghiệm đau thương trên con đường xây dựng thói quen đọc sách cho con tôi. Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm sức cho việc xây dựng thói quen đọc sách cho con gái tôi. Vào lúc tưởng chừng như tôi đã thành công thì mọi thứ dần sụp đổ, chỉ đơn giản là tôi xây dựng một thói quen không có gốc rễ, không “ thức ăn“ để nuôi sống, kết quả là thói quen đó sẽ dần chết đi là điều dễ hiểu.

Những đúc kết này là quá trình nghiệm ra từ những đau thương ấy, tôi lưu lại đây không những để chia sẻ lại cho các mẹ cũng đang lúng túng trong việc xây dựng tình yêu sách với con, mà còn để bản thân tôi khắc cốt ghi tâm, tự mình không đi vào vết xe đổ cũ trong hành trình giáo dục Bato (con trai 7 tháng tuổi của tôi ). Vậy làm thế nào để khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu sách?

  • KHƠI GỢI TRÍ TÒ MÒ TRONG CON: 

Đứng đầu trong những việc cần làm là khơi gợi trí tò mò trong con. Đây là điểm dẫn tới thất bại đau thương của tôi. Tôi đã xây dựng thói quen cho con tôi mà bỏ qua bước xây dựng gốc rễ này .Và tôi cũng nghĩ rằng cũng có nhiều mẹ đã, đang và sẽ đi vào vết xe đổ của tôi. Đây cũng là điểm khác biệt giữa xây dựng thói quen đọc sách của trẻ Nhật và trẻ VN.

Ở Nhật, không hiếm để nhìn thấy trên tàu điện, xe bus , ở những cơ quan công cộng như bệnh viện, siêu thị ,nhà ga, sân bay, UBND ….bắt gặp những em bé đang chăm chú đọc 1 cuốn sách, khi tôi nhìn vào tôi cảm nhận được trong con mắt ấy, trên khuôn mặt ấy là một tình yêu, một đam mê thực sự. Không ít những trẻ khi đi đâu đó với cha mẹ, thì thứ đầu tiên em bỏ vào balo cá nhân không phải bánh kẹo, đồ chơi, thú bông loại nhỏ mà chính là vài quyển sách yêu thích. Vậy điểm quan trọng và khác biệt trong quá trình xây dựng thói quen đọc sách của mẹ Nhật với mẹ VN khác nhau như thế nào?

Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ rất tò mò, chúng ta thường bắt gặp những câu hỏi với mô tuýp: Tại sao? Như thế nào? Từ này có nghĩa là gì? Sai lầm lớn nhất của tôi trước đây là đã tỏ ra thông thái ngay lập tức giải đáp câu hỏi của con. Xây dựng cho con tiềm thức mẹ là từ điển sống . Điều này tạo nên thất bại của tôi.

Vậy mẹ Nhật làm thế nào?  Khi được trẻ hỏi những câu hỏi như thế, điều đầu tiên nên làm là mở từ điển bách khoa toàn thư (nên mua loại bằng hình ảnh dành cho trẻ ), 2 mẹ con cùng đi tìm câu trả lời ở đó. Vậy khi trẻ hỏi “từ này nghĩa là gì”, các người lớn ơi, xin đừng tỏ ra thông thái mà giảng giải cho con, hãy mở từ điển tiếng Việt ra và đi tìm giải đáp nhé. Câu hỏi đặt ra là sao phải mất thời gian như thế? Trả lời : đây chính là cách khơi gợi tò mò về sách trong trẻ thơ, từ đó đánh thức tình yêu sách của trẻ.

Người lớn chúng ta không nhất thiết phải show ra sự thông thái với trẻ, bởi sự thông thái ấy vốn dĩ là chúng ta đi nhặt nhạnh, vay mượn từ sách vở mà ra. Vậy hãy chỉ cho con thấy chính sách vở mới là bà tiên thông thái, chính sách mới là phù thuỷ cao siêu. Sách vở biết giải đáp mọi thắc mắc của con, những con chữ thần diệu ấy giống như chiếc đũa thần của bà tiên. Trẻ sẽ rất tò mò và ham thích khám phá sự thần diệu của những quyển sách cho mà xem.Từ tò mò, trẻ sẽ chuyển sang yêu thích nếu chúng ta biết nuôi dưỡng tình yêu ấy. Sự thực thì tôi đã nghiệm ra điều này khi chồng tôi có quyết định sang Nhật học cao học, và món quà duy nhất anh để lại cho mẹ con tôi chính là bộ từ điển bách khoa toàn thư cho con gái và cuốn sách “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt “ với lời nhắn “mọi tình yêu thương anh gửi hết vào đây, em và con hãy đọc chúng nhé”.

  • SẼ KHÔNG CÓ EM BÉ YÊU SÁCH NẾU CHA MẸ KHÔNG YÊU SÁCH:

Chân lý này có lẽ ai cũng hiểu được nhưng để thực hiện nó không phải ai cũng làm được. Nó cần tình yêu thực sự với sách. Có rất nhiều người lớn chúng ta chưa xây dựng được cho mình thói quen đọc sách, chưa có tình yêu và đam mê với sách vậy làm sao chúng ta có thể truyền ngọn lửa ấy cho con?

Có rất nhiều mẹ nói với tôi rằng : Tôi vô cùng yêu con tôi. Tôi muốn con tôi trở thành người như thế này, như thế kia…. Nhưng mọi thứ vẫn chỉ là tuyên ngôn, còn hành động thì vẫn là nằm trong kế hoạch. Việc truyền lửa cho con không chỉ là việc đọc sách cho con mỗi ngày mà: MẸ CẦN CHO CON THẤY NHỮNG KHOẢNH KHẮC MẸ SAY MÊ BÊN CUỐN SÁCH CỦA MẸ. Mẹ thật sự hạnh phúc và vui sướng khi đọc cuốn sách ấy. Trẻ sẽ tự hỏi những cuốn sách có gì mà làm mẹ, làm cha, những người to lớn kia vui sướng và hạnh phúc như thế? Trẻ sẽ mặc nhiên mà tò mò khám phá. Trẻ sẽ hoà quện vào tinh thần yêu sách ấy của mẹ, cha.

  • ĐỌC SÁCH CÙNG CON MỖI NGÀY CHÍNH LÀ NUÔI DƯỠNG ĐAM MÊ:

Việc đọc sách cùng con mỗi ngày chính cũng giống như viêc tưới nước cho 1 cái cây để vun đắp, nuôi dưỡng cho cái cây ấy xòe tán rộng. Không chỉ đọc trước khi đi ngủ mà mẹ cần đọc mọi lúc mọi nơi: trên đường ngồi xe về quê ngoại, trong lúc đợi khám bệnh, trong khi đi đâu đó… Hãy bỏ thêm cuốn sách vào balo hành lý của con, 1 chai nước, 1 chiếc khăn lau mồ hôi và vài chiếc bánh khi mẹ đưa con đi ra ngoài. Sự thực thì tôi đã làm điều này và thấy nó rất hiệu quả.

Ví như trong lúc đợi khám bệnh, trẻ thường rất chán khi phải ngồi 1 chỗ chờ đợi, chúng nhớ ngay ra cuốn sách mẹ đã nhét vào balo mình hồi sáng, và lôi ra nhờ mẹ đọc. Đấy, như thế là đã tận dụng được 1 khoảng thời gian trống, mà trẻ lại đỡ nghịch phá, làm ồn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Việc đọc sách của mẹ cần đọc với giọng điệu diễn cảm để truyền tải tối đa nội dung của sách cho trẻ. Điều này giải thích tại sao Bato (cậu bé 7 tháng tuổi của tôi ) lại thích chị Mai Nhi (con gái hơn 6 tuổi của tôi ) đọc sách cho nghe. Vì con gái tôi có giọng đọc khá truyền cảm, đôi khi còn mô tả bằng ngôn ngữ cơ thể. Bản thân tôi nghe còn cuốn hút huống chi con trai tôi. Vậy nên mẹ hãy cố gắng tối đa tập đọc diễn cảm bằng giọng điệu và ngôn ngữ cử chỉ.

  • ĐỪNG TIẾC TIỀN MUA SÁCH CHO CON VÀ LỰA CHỌN SÁCH ĐÚNG ĐỘ TUỔI:

Đầu tư tri thức là đầu tư lâu dài và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc và tâm sức cần 1 sự đầu tư cụ thể liên tục. Có mẹ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để theo những khoá học khác nhau, nhưng lại hạn hẹp kinh phí mua sách cho trẻ. Tại sao thế? Sách chính là cửa ngõ của tri thức, việc liên tục trang bị cho con nhiều sách mới, ở nhiều lĩnh vực cũng chính là nuôi dưỡng tình yêu sách cho con 1 cách bền vững.

Lựa chọn sách đúng lứa tuổi cũng là 1 điểm vô cùng quan trọng. Nếu bạn chọn sai sách cho độ tuổi của con mình, hậu quả sẽ gây ra sự nhàm chán bởi 2 xu hướng: một là quá khó để con hiểu gây ra chán, hai là quá dễ với lứa tuổi của con cũng gây ra chán. Vì vậy các mẹ nên nghiên cứu thật kỹ trước khi mua 1 cuốn sách cho con, điều này cũng quan trọng tương tự như khi mẹ lựa chon cho con học 1 khoá học nào đó.

LỜI KẾT:

Để có một thế hệ trẻ thơ yêu sách, người lớn chúng ta cần hành động ngay hôm nay. Thay đổi tư duy đã cũ, Không có gì tự nhiên mà có, mọi thứ đều cần trải qua một quá trình. Cũng như tôi sau những thất bại đau thương thì tôi đã rút ra được bài học này. Tôi hy vọng nó có ích và nuôi dưỡng được vài em bé thích sách như con tôi. Cảm ơn các mẹ đã đọc hết bài viết. Và tôi trân quý những ý kiến đóng góp để bản thân tôi được học hỏi và hoàn thiện.
Love all,
Mẹ Bato & Mai Nhi